Quy định 665-1
GIẢNG DẠY
Ngày 26 tháng 6 năm 2019

Lên Lớp và Lưu Ban - Lớp Mẫu Giáo - Lớp 12

Trường tiểu học:

I. Lên Lớp

A. Việc xếp lớp phải cung cấp cơ hội tốt nhất để học sinh có được sự tiến bộ hợp lý. Cần cân nhắc khả năng, thành tích của học sinh và lớp hoặc phần học mà học sinh đó có thể thực hiện đạt yêu cầu nhất. Cần chú ý đến nhu cầu của tất cả học sinh, bất kể là học sinh giỏi, trung bình hay dưới trung bình. Vì chúng tôi quan tâm đến sự phát triển của mỗi học sinh nên sự tiến bộ thường xuyên thông qua việc học tập ở trường là điều rất quan trọng.

B. Nhân viên nhà trường sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo mỗi em học sinh hiểu rằng phải cố gắng học mới được lên lớp chứ không phải tự động được lên.

C. Kỹ năng về các môn đọc và toán và việc nhận được điểm Đạt trong các bài kiểm tra Tiêu Chuẩn Học Vấn (SOL) của Tiểu Bang Virginia là các yếu tố chính để xem xét học sinh được lên lớp hay lưu ban. Nhà trường cũng sẽ xem xét đến các kỹ năng giao tiếp của học sinh.

D. Nếu học sinh được quyết định cho lên lớp và trượt trong các bài kiểm tra SOL đọc và toán lớp 3 thì học sinh đó phải tham gia một chương trình học thêm để bổ túc thêm về các lĩnh vực còn yếu cho phù hợp vào ngày học bình thường.

II. Lưu Ban

Hiệu trưởng và các nhân viên thích hợp sẽ đưa ra quyết định về việc liệu học sinh có phải lưu ban hay không. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện với sự hoàn toàn thấu hiểu của học sinh và phụ huynh, và luôn phải được thực hiện vì lợi ích tốt nhất và sự phát triển của học sinh đó. Học sinh sẽ được cân nhắc cho lưu ban ở các lớp từ lớp mẫu giáo đến lớp 5 trong các trường hợp sau:

A. Học sinh chưa từng lưu ban quá một lần từ lớp mẫu giáo đến lớp 5.

B. Học sinh không thể giữ và sử dụng các kỹ năng học tập cơ bản được xác định là các yêu cầu tối thiểu cho cấp lớp đó, theo các kỳ vọng của Khu Học Chánh và các kỹ năng học tập cơ bản.

C. Học sinh nghỉ học 10 ngày trở lên mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành bài tập bù với số lượng ít. Chấp nhận trường hợp ngoại lệ nếu gửi cho nhân viên nhà trường giấy của bác sĩ xác nhận bị đau ốm.

D. Phụ huynh/người giám hộ phải được thông báo bằng văn bản (Phụ Đính I) vào cuối kỳ 1 (18 tuần) rằng rõ ràng con của họ có khả năng cần lưu ban. Thông báo bằng văn bản (Phụ Đính II) sẽ được gửi lần nữa cho phụ huynh vào cuối giai đoạn chấm điểm 9 tuần thứ ba (27 tuần). Ngoài ra, các giáo viên nên sắp xếp họp với phụ huynh/người giám hộ của các học sinh này. Học sinh chuyển vào trường sau khi hết học kỳ 1 có thể được cân nhắc cho lưu ban. Phụ huynh/người giám hộ phải được thông báo bằng văn bản về khả năng lưu ban của học sinh trong vòng 15 ngày kể từ ngày ghi danh, hoặc sớm nhất có thể sau khi xác định được khả năng học sinh cần lưu ban.

E. Đối với mỗi học sinh cần được xem xét lưu ban, cần lập một hội đồng cố vấn về lưu ban với thành phần gồm (các) giáo viên của học sinh đó, hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và một người phụ trách về nguồn lực hỗ trợ, nếu áp dụng. Hội đồng này sẽ đánh giá tất cả các dữ liệu liên quan đến học sinh đó và đề xuất với hiệu trưởng về việc cho học sinh đó lên lớp hay lưu ban. Phụ huynh/người giám hộ của học sinh sẽ được mời tham dự cuộc họp của hội đồng.

F. Khi một học sinh đang được xem xét cho lưu ban, giáo viên phải nộp tập tổng hợp các bài tập hàng ngày của học sinh để hội đồng xem xét.

G. Đối với các lớp có bài kiểm tra SO, việc học sinh được nhận điểm "đạt" trong các bài kiểm tra SOL sẽ là một trong các yếu tố để xem xét.

H. Thông báo phải được thực hiện bằng văn bản (Phụ Đính III) gửi cho phụ huynh ít nhất là 15 ngày làm việc trước khi kết thúc năm học.

I. Nếu không đồng ý với quyết định về việc lên lớp hoặc lưu ban, phụ huynh cần gửi kiến nghị bằng văn bản theo Chính Sách 731 "Kiến Nghị về Các Vấn Đề của Học Sinh" và như nêu tại thư thông báo thứ ba và cuối cùng của nhà trường về việc lưu ban.

III. Học Vượt Lớp

Hiệu trưởng và các nhân viên thích hợp sẽ đưa ra quyết định về việc liệu một học sinh có được phép học vượt lớp lên lớp cao nhất tiếp theo hay không. Tuy nhiên, việc này cần được
thực hiện với sự hoàn toàn thấu hiểu của học sinh và phụ huynh/người giám hộ và luôn phải vì lợi ích tốt nhất và sự phát triển của học sinh đó. Học sinh sẽ được xem xét học vượt lớp sau khi các vấn đề sau được cân nhắc:

A. Học sinh đã được giới thiệu hoặc đang được hướng dẫn bởi một giáo viên về Nguồn Lực Năng Khiếu Giáo Dục hoặc đang học tại một Trung Tâm Dành Cho Học Sinh Năng Khiếu.

B. Học sinh đã được học bồi dưỡng thêm và không có nhóm học nào phù hợp tại cấp lớp hiện tại.

C. Học sinh được giới thiệu đến Nhóm Can Thiệp Theo Trường.

D. Nhóm Can Thiệp Theo Trường có thể đề xuất cho học sinh học thử một thời gian ở một cấp lớp cao hơn.

E. Các kết quả kiểm tra và quan sát (sự trưởng thành, thói quen làm việc, sự độc lập) cung cấp chứng cứ rằng học sinh đã sẵn sàng cho việc học vượt lớp. Thông thường, sau đó học sinh được học vượt lớp cho các môn toán và/hoặc ngữ văn trên cơ sở học thử. Nếu học sinh học đạt yêu cầu thì có thể được học vượt lớp với các môn khác. Điểm "Đat" trong các bài kiểm tra SOL của học sinh sẽ được xem xét khi ra quyết định cho học sinh đó lên lớp.

F. Học sinh được theo dõi để đảm bảo có sự trưởng thành và các kỹ năng xã hội cần thiết để có thể học vượt cấp đầy đủ lên cấp lớp cao hơn. Trong giai đoạn "học thử" này, phụ huynh/người giám hộ cần luôn bên cạnh con mình trong sự tiến bộ và những điều chỉnh về xã hội của con. Sau khoảng thời gian 9 tuần, phụ huynh/người giám hộ, giáo viên và hiệu trưởng sẽ dự một cuộc họp để thảo luận về sự tiến bộ của học sinh và xác định xem liệu có nên cho học sinh đó học vượt lớp đầy đủ ở tất cả các môn học hay không.

G. Căn cứ đánh giá về mặt chuyên môn của giáo viên và đề xuất của Nhóm Can Thiệp Theo Trường, hiệu trưởng sẽ ra quyết định về việc cho học sinh đó học vượt lớp.

Trường trung học cơ sở:

I. Lên Lớp/Xếp Lớp

A. Việc xếp lớp phải cung cấp cơ hội tốt nhất để học sinh có được sự tiến bộ hợp lý. Cần cân nhắc khả năng, thành tích của học sinh và lớp hoặc phần học mà học sinh đó có thể thực hiện đạt yêu cầu nhất. Cần chú ý đến nhu cầu của tất cả học sinh. Do quan tâm đến sự phát triển của mỗi học sinh nên sự tiến bộ thường xuyên thông qua việc học tập ở trường là điều rất quan trọng.

B. Nhân viên nhà trường sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo mỗi em học sinh hiểu rằng phải cố gắng học mới được lên lớp chứ không phải tự động được lên.
C. Trình độ của học sinh ở các môn ngữ van, toán, khoa học, lịch sử và khoa học xã hội là các yếu tố chính để xét lên lớp hoặc lưu ban. Khi xác định trình độ của học sinh, sẽ cân nhắc các kỹ năng về ngữ văn và toán học khi áp dụng trong tất cả các môn học khác, tình hình học tập trên lớp, các đánh giá về học tập và kết quả các bài kiểm tra theo chuẩn, nếu có thể áp dụng. Kết quả điểm kiểm tra SOL sẽ được xem xét khi ra quyết định cho học sinh lên lớp hay lưu ban.

D. Nếu học sinh được quyết định cho lên lớp và trượt trong các bài kiểm tra SOL đọc và toán lớp 5 thì học sinh đó có thể tham gia một chương trình học thêm để bổ túc thêm về các lĩnh vực còn yếu cho phù hợp vào ngày học bình thường.

E. Học sinh không đạt yêu cầu ở 4 môn học cốt lõi sẽ được cân nhắc về việc xếp lớp ở cấp lớp tiếp theo khi hội đồng xếp lớp và/hoặc hiệu trưởng xác định rằng việc xếp lớp đó là vì lợi ích tổng thể tốt nhất của học sinh.

F. Hội đồng xếp lớp có thể quyết định cho học lưu ban và xem xét các trường hợp vào tháng Tám nếu học sinh có kết quả đạt yêu cầu trong chương trình học mùa hè phù hợp. Có thể cần có bài kiểm tra cập nhật vào Tháng Tám để xác định mức độ kỹ năng.

II. Xếp Vào Lớp 9

A. Hiệu trưởng trường trung học cơ sở sẽ cung cấp cho hiệu trưởng trường trung học phổ thông danh sách các học sinh được xếp vào lớp 9 cần có các dịch vụ đặc biệt.

B. Hiệu trưởng của trường chuyển và trường nhận sẽ họp và tiếp nhận thông tin về các học sinh đang chờ xếp lớp đó; Tuy nhiên, cuộc họp này sẽ không nhằm mục đích có thể từ chối một học sinh được xếp vào lớp 9.

III. Lưu Ban

A. Trong tất cả các trường hợp lưu ban, giáo viên phải thông báo cho phụ huynh/người giám hộ bằng văn bản (Phụ Đính IV) về khả năng học sinh đó không đạt yêu cầu của khóa học trong các môn lịch sử và khoa học xã hội, toán, ngữ văn và khoa học vào cuối kỳ 1 (18 tuần).

B. Hiệu trưởng sẽ chỉ định một hội đồng (gồm một quản lý và các nhân viên thích hợp của trường) để đánh giá trình độ tổng thể của mỗi học sinh. Phụ huynh/người giám hộ của học sinh sẽ được tham gia vào quá trình xếp lớp. Các yếu tố mà hội đồng đánh giá xem xét bao gồm:

1. Đề xuất của các giáo viên của học sinh;

2. Kết quả điểm "Đạt" trong các bài kiểm tra SOL;

3. Học sinh không thể duy trì và áp dụng các kỹ năng học tập cơ bản;

4. Học sinh thường xuyên không hoàn thành bài tập;

5. Sự phát triển về thể chất, xã hội và/hoặc cảm xúc của học sinh không phù hợp với hành vi và sự phát triển dự kiến ở độ tuổi đó;

6. Học sinh nghỉ học 10 ngày trở lên mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành bài tập bù với số lượng ít. Chấp nhận trường hợp ngoại lệ nếu gửi cho nhân viên nhà trường giấy của bác sĩ xác nhận bị đau ốm;

7. Số lần lưu ban trước đây của học sinh là một yếu tố để quyết định việc lên lớp, xếp lớp hoặc lưu ban. Nếu học sinh từng bị lưu ban trong thời gian học từ lớp 1 đến lớp 8 thì phải có một đánh giá đầy đủ về giáo dục xã hội và tâm lý ; và

8. Chương trình học mà học bị lưu ban tham gia có đáp ứng các yêu cầu đã được xác định của học sinh đó hay không. Sau khi xem xét các yếu tố trên, hội đồng có trách nhiệm đề xuất với hiệu trưởng xếp lớp hay cho học sinh lưu ban.

C. Hiệu trưởng sẽ ra quyết định cuối cùng về việc cho học sinh lưu ban và sẽ thông báo cho giáo viên và phụ huynh/người giám hộ của học sinh (Phụ Đính V).

D. Nếu phụ huynh không đồng ý với quyết định về việc xếp lớp hoặc lưu ban thì có thể kiến nghị bằng văn bản theo các quy trình kiến nghị nêu trong Chính Sách 731 "Kiến Nghị về Các Vấn Đề của Học Sinh".

Trung học:

I. Lên Lớp/Lưu Ban

Học sinh dược liên lớp 9 mà chưa đạt hoặc chưa làm bài kiểm tra SOL môn toán và/hoặc Anh Ngữ lớp 8 có thể phải học thêm về các lĩnh vực còn yếu.

Học sinh được nhận tín chỉ tiêu chuẩn khi hoàn thành các yêu cầu của khóa học. Học sinh được nhận tín chỉ được xác thực khi hoàn thành các yêu cầu của khóa học và đạt điểm được chấp nhận của Hội Đồng Giáo Dục Tiểu Bang trong bài kiểm tra Tiêu Chuẩn Học Vấn (SOL) Cuối Khóa hoặc bài kiểm tra bổ sung cho khóa học đó được Hội Đồng Giáo Dục Tiểu Bang phê duyệt.

Các tiêu chí sau đây sẽ được áp dụng để xác định việc học sinh được lên lớp cao hơn:

A. Lớp 9

Học sinh được lên lớp 9 khi học xong hoàn thành chương trình học lớp 8 một cách thành công, như được định nghĩa ở phần quy định cho trung học cơ sở của quy định này.

B. Lớp 10

Học sinh sẽ lên lớp 10 khi đạt được 5 tín chỉ
tiêu chuẩn ; và 3 trong 5 tín chỉ đã đạt được đó phải nằm trong danh sách các khóa học yêu cầu.

C. Lớp 11

Học sinh sẽ được lên lớp 11 khi đạt 11 tín chỉ tiêu chuẩn, trong đó 6 tín chỉ phải từ danh sách các khóa học yêu cầu.

D. Lớp 12

Học sinh sẽ được lên lớp 11 khi đạt 16 tín chỉ tiêu chuẩn, trong đó 9 tín chỉ phải từ danh sách các khóa học yêu cầu.

II. Trình Tự Giáo Dục ở Lớp 9 Đến Lớp 12

A. Trong các khóa học tuần tự như Anh ngữ, toán và ngoại ngữ, học sinh sẽ không được ghi danh vào một khóa học ở lớp trên cho đến khi hoàn thành xong khóa học của lớp dưới, trừ khi được hiệu trưởng cho phép.

B. Học sinh đã lưu ban vẫn có thể học các môn học ở một cấp lớp mà học sinh đó không được xếp vào, nếu em đó đáp ứng được các điều kiện tiên quyết của khóa học.

III. Thông Báo cho Phụ Huynh

A. Ngoài sổ liên lạc, các phụ huynh/người giám hộ của các học sinh trượt một khóa học của trường trung học phổ thông sẽ được giáo viên chủ nhiệm lớp thông báo bằng văn bản vào cuối học kỳ đầu tiên (Phụ Đính VI). Ngoài ra, các giáo viên nên sắp xếp họp với phụ huynh/người giám hộ của các học sinh này.

B. Nếu đến cuối tuần thứ 27 mà một học sinh vẫn không đạt yêu cầu, phụ huynh/người giám hộ sẽ một lần nữa được thông báo bằng văn bản.

Hiệu trưởng và Phó Giám Thị Cấp thích hợp (hoặc người được chỉ định) chịu trách nhiệm thực hiện và giám sát quy định này.

Quy định và chính sách liên quan này sẽ được xem xét lại ít nhất năm năm một lần và sửa đổi khi cần thiết.

TRƯỜNG CÔNG LẬP QUẬN PRINCE WILLIAM

Dành cho In ấn:

Quy định 665-1 ĐÍNH KÈM I

Quy định 665-1 ĐÍNH KÈM II

Quy định 665-1 ĐÍNH KÈM III

Quy định 665-1 ĐÍNH KÈM IV

Quy định 665-1 ĐÍNH KÈM V

Quy định 665-1 ĐÍNH KÈM VI